Sách Hay Cho Tháng 9 Này!
Tiểu thuyết mới của Jonathan Safran Foer, bản dịch tác phẩm của Kafka cùng câu chuyện du hành thời gian – tất cả là những tựa sách đang được mong đợi nhất trong tháng này.
1. The Pigeon Tunnel – John le Carré
Bậc thầy tiểu thuyết gián điệp viễn tưởng John le Carré đem đến cho chúng ta cuốn hồi ký với những “câu chuyện đời tôi”- Tỉ mỉ, dí dỏm và cực kỳ hấp dẫn! Ông kể lại những dối lừa và mất mát thời thơ ấu, quãng thời gian đi học ở Thụy Sĩ – nơi ông “bước những bước đầu tiên trên con đường sáng tác về Tình báo Anh, từ những điều tôi không biết cho đến những người tôi chẳng quen.”
John le Carré còn đề cập tới cuốn The Spy Who Came in from the Cold (Tạm dịch: Gián điện Chiến tranh Lạnh) và bộ phim chuyển thể của nó. Đồng thời, ông viết cả về những chuyến đi nghiên cứu và những lần gặp gỡ lãnh đạo giải phóng Palestine Yasser Arafat, phóng viên chiến trường David Greenway, nhà văn Alec Guinness, và nhiều người khác nữa. Họ chính là nguồn cảm hứng cho những nhân vật đáng nhớ trong các tiểu thuyết sau đó của ông.
Trong phần cuối của cuốn hồi ký, ông kể về Ronnie – “gã lừa đảo, kẻ mộng mơ, thỉnh thoảng là tên tù tội, và cũng là cha tôi”- nhân vật mà ông luôn mong mình có thể thấu hiểu kể từ lúc bắt đầu cuộc đời của một nhà văn.
2. Commonwealth – Ann Patchett
Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, Patchett – chủ nhân của giải Orange Prize for Bel Canto vào năm 2001, kể lại những hậu quả của một hành động bốc đồng trong một gia đình Mỹ suốt quãng thời gian 50 năm. Nữ nhà văn bắt đầu bằng lễ rửa tội cho con gái thứ hai của cặp vợ chồng Fix và Beverly Keating, cô bé Franny. Bert Cousins, Phó Chưởng lý Los Angeles, bỗng dưng không mời mà đến cùng với một chai rượu gin. Tiệc tàn cũng là lúc ông ta hôn Beverly. Vậy là hai cuộc hôn nhân đổ vỡ. Sáu đứa con cứ thế hết sống cùng bố lại chuyển sang sống cùng mẹ, mãi cho tới khi thảm kịch xảy đến.
Vào những năm 20 tuổi, Franny trải qua cuộc tình với một nhà văn nổi tiếng và đã kể cho anh nghe về bí mật gia đình mình, tay nhà văn sau đó đã tiết lộ bí mật này trong một cuốn tiểu thuyết, và sau đó nó còn được chuyển thể thành phim. Thuật lại những chuỗi dài của sự phản bội, Patchett cũng đã tạo ra những nhân vật tuy phức tạp nhưng vô cùng đáng nhớ.
3. Konundrum – Franz Kafka
“Kafkaesque[i] là từ đồng nghĩa với cơn ác mộng, điều bất tường và chuyện kỳ lạ bí ẩn” – Peter Wortsman đã ghi chú như vậy trong lời kết bản dịch tuyển tập truyện ngắn, truyện ngụ ngôn, thư và nhật ký của biểu tượng xứ Praha – Franz Kafka. Một bản dịch tỏ tường và giàu vần điệu! “Những câu chuyện khắc nghiệt và những mảnh ghép bí mật” của Kafka là hàng loạt cảnh báo và linh cảm từ vô thức của một thiên tài, vẫn cứ thế cộng hưởng mạnh mẽ tới ngày nay. Nhưng cũng có những thay đổi cần phải điều chỉnh: Hóa thân (Metamorphosis) quen thuộc giờ trở thành Chuyển hóa (Transformed), khi Gregor Samsa tỉnh giấc thấy mình là “con bọ quái dị” hơn là “loài ký sinh khủng khiếp”.
Hãy đọc cuốn sách để một lần nữa nhìn lại những tuyệt tác kinh điển – The Hunger Artist, In the Penal Colony, và Josephine, Our Meistersinger – những tác phẩm mà Kafka viết trước khi qua đời vì bệnh lao. Hay đọc nó để đón chờ những bất ngờ như Poseidon: “Poseidon ngồi vào bàn và gõ số lạch cạch. Quản lý nước quả là một công việc khổng lồ.”
4. The Fortunes – Peter Ho Davies
Davies đã chắt lọc những tinh hoa 150 năm lịch sử Trung Quốc – Mỹ trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình. Trong Gold, phần đầu tiên trong bốn phần của cuốn sách, Ah Ling, 14 tuổi, con trai của một gái điếm Hồng Kông, đã lên đường tìm kiếm vận may của cậu ở California. Cậu trở thành người hầu của Charles Crocker, tay chủ đã thuê hàng ngàn người Trung Quốc để mở rộng con đường sắt xuyên lục địa của hắn. Sang phần Silver, tác giả lại khắc họa sự nghiệp 30 năm của nữ diễn viên gốc LA, Anna May Wong, cô gái đã diễn xuất cùng Douglas Fairbanks khi mới 19 tuổi.
Davies cũng viết về Vincent Chin, người đã bị hai công nhân xưởng ô tô đánh cho đến chết tại Detroit vào năm 1982 bởi vì họ nhầm anh là người Nhật Bản. Hay câu chuyện của một nhà văn là con lai Trung Quốc, người đang trên đường đến Trung Quốc để nhận nuôi một bé gái, cùng nỗi lo làm sao giúp cô bé có thể trả lời câu hỏi mà chính ông đã bị hỏi suốt cả cuộc đời: Anh đến từ đâu?
5. Time Travel – James Gleick
Tác giả của The Information, cây bút khoa học James Gleick đã đem đến cái nhìn toàn cảnh về chiều không gian thứ tư, một chủ đề luôn cuốn hút giới khoa học cuối thế kỷ trước. Ông bắt đầu với khung cảnh HG Wells viết cuốn sách mang tính bước ngoặt của ông – The Time Machine (1895). Đây chính là tác phẩm đặt ra khuôn mẫu cho thể loại văn học mới nổi – khoa học viễn tưởng, cũng như ảnh hưởng đến các nhà vật lý như Einstein. Gleick cũng viết về Edith Nesbit, một “Wells của thời đương đại”, người đã khỏi xướng dòng văn học du hành thời gian bằng cuốn tiểu thuyết The Story of the Amulet (1906), trong đó bà kể lại câu chuyện của bốn đứa trẻ đi vào quá khứ.
Gleick còn đề cập đến những cái tên như Marcel Proust, Robert Heinlein, Ursula Le Guin, Jorge Luis Borges, Philip K Dick, và WG Sebald. Song song với đó, ông cũng bàn luận về nhận thức về thời gian, từ cụm “tempus fugit (thời gian trôi)” của người La Mã đến khái niệm thời gian của Isaac Newton, và đến tận tính năng Moments của Twitter. Tất cả khiến cho Time Travel trở nên cực kỳ cuốn hút.
6. Vampire in Love – Enrique Vila-Matas
Nhà văn Barcelona, Vila-Matas đã xuất bản hơn 20 cuốn tiểu thuyết, và giành chiến thắng Prix Formentor 2014 nhờ những tác phẩm của mình. 19 câu chuyện trong Vampire in Lovecho chúng ta thấy sự khôn ngoan “đen tối nhưng vui tươi” cũng như xu hướng thích pha trộn các thể loại văn học của ông. Câu chuyện thứ nhất đã khởi đầu cho tất cả: một người cha truyền lại con trai của ông “ngôi nhà tiểu thuyết và những niềm vui khi được sống vĩnh viễn ở đó.” Trong Sea Swell, một nhà văn trẻ người Tây Ban Nha đã cư xử tồi tệ khi được bạn giới thiệu làm quen với Marguerite Duras. Một câu chuyện khác lại kể về một người đàn ông – kẻ đang chơi trò chơi “trả lời e-mail mà không đọc chúng”.
Trong Vampire in Love – câu chuyện được chọn làm tựa sách, một gã đàn ông tuyệt vọng, mang trên mình hai chiếc răng nanh sắc nhọn như ma cà rồng đã thầm yêu một cậu trai nhà thờ. Người kể chuyện gọi gã là “Saint Nosferatu[ii]”. “Giống như mọi kẻ đang yêu,” Vila-Matas viết, “gã vừa là ma cà rồng, vừa là kẻ tử đạo.”
7. The Complete Orsinia: Malafrena, Stories and Songs – Ursula Le Guin
Le Guin là tiểu thuyết gia thứ hai (sau Philip Roth) được Library of America giới thiệu ngay từ khi còn sống. Tác phẩm này bao gồm phần giới thiệu và tập hợp các tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn, trước khi bà chuyển sang thể loại khoa học viễn tưởng. Mọi thứ bắt đầu khi Le Guin 20 tuổi và đã quyết định viết về một đất nước “ảo” ở Trung Âu có tên gọi là Orsinia. Orsinia là nền tảng cho những tập thơ, tập truyện sau đó, và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết Malafrena mà bà bắt đầu sáng tác năm 1952 và hoàn thành năm 1978.
“Đó là câu chuyện về một thế hệ người trẻ ở châu Âu, trưởng thành trong những năm 1820 và trải qua đau khổ trong những cuộc cách mạng năm 1830,” bà viết. The Complete Orsiniađem đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn vào đầu óc thiên tài của Le Guin. “Trò chơi của tôi là chuyển đổi và sáng tạo”, bà viết.
8. Shirley Jackson: A Rather Haunted Life – Ruth Franklin
Nổi tiếng với truyện ngắn The Lottery (1948) và các tiểu thuyết The Haunting of Hill House (1959) và We Have Always Lived in the Castle (1962), Shirley Jackson đã tiếp tục thể loại văn học hồi hộp như Nathaniel Hawthorne, Edgar Allan Poe và Henry James. Đóng góp quan trọng của bà, được Franklin ghi lại trong cuốn tiểu sử, là “mối lưu tâm hàng đầu” vào cuộc sống của thế hệ những người phụ nữ sinh ra và lớn lên vào giữa thế kỷ XX, thời kỳ đỉnh cao của phong trào nữ quyền của mình.
Franklin thuật lại cuộc đời “làm nên lịch sử” của Jackson, từ thời con gái ở vùng ngoại ô phía bắc California, cho tới cuộc hôn nhân với nhà phê bình văn học Stanley Edgar Hyman – cha của bốn đứa con bà. Họ gặp nhau tại Đại học Syracuse, nơi ông ta bắt đầu một đời không chung thủy: “Chuyện riêng tư của họ đôi khi được kể lại đầy chấn động trong những tác phẩm của bà,” Franklin viết.
9. The Lesser Bohemians – Eimear McBride
McBride đã chinh phục giới văn chương với cuốn tiểu thuyết đầu tay – A Girl Is a Half-Formed Thing. Cuốn sách đã đoạt giải Baileys Women’s Prize for Fiction và giải Goldsmiths Prize, cùng nhiều giải thưởng khác. Tiểu thuyết thứ hai của cô cũng được viết bằng giọng văn ấn tượng và giàu chất thơ, tiết lộ những suy nghĩ bên trong nhân vật kể chuyện – một cô gái người Ailen, khi cô này sang London học diễn xuất vào khoảng năm 1994. “Kìa London Liverpool Street, tôi sẽ đến trên chuyến xe lửa – Đôi chân chợt chững lại khi đã đi được nửa đường.”
McBride kể lại vai diễn đầu tiên của nhân vật trong một vở kịch ở trường, cũng như mối quan hệ gợi lên những cảm xúc nóng bỏng giữa cô với một diễn viên lớn tuổi. Khi anh ta nói về thời thơ ấu cùng mối liên kết khăng khít với mẹ của mình, cô đã phải cố gắng để chế ngự bản năng mạnh nhất của bản thân.
10. Here I Am – Jonathan Safran Foer
Cuốn tiểu thuyết thứ ba tràn đầy năng lượng của Foer gồm rất nhiều nhân vật và những câu hỏi hóc búa. Cuộc sống hôn nhân Jacob và Julia, với ba người con trai, đang có nguy cơ đổ vỡ bởi những tin nhắn gợi tình. Cậu con trai 13 tuổi – Sam đang phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi học khỏi một trường Do Thái giáo vì đã viết một danh sách các tính ngữ phân biệt chủng tộc. Ông nội của Sam thì suy nghĩ liệu nên tự sát hay chuyển sang Đảng Jewish Home. Sam theo học một lớp Mô hình Liên Hiệp Quốc, nơi mà cậu học cách ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chỉ để rồi bị xấu hổ vì bị mẹ mình đi theo.
Các anh em họ của Sam đã từ Israel đến mừng lễ bar mitzvah của cậu, nhưng họ lại bị mắc kẹt trong một trận động đất lớn có tâm chấn ở dưới Biển Chết, gây mất ổn định ở khắp Trung Đông. Những nỗi buồn lớn lao, những cuộc đối thoại táo bạo và nhiều mối liên hệ mới mẻ đã khiến cuốn tiểu thuyết thêm hấp dẫn.
[i] Kafkaesque là từ được đặt theo tên nhà văn Franz Kafka, dùng để chỉ những sự vật/sự việc mang nét đặc trưng hoặc gợi nhớ về sự gò bó, bức bối, “ác mộng” mà Kafka thường thể hiện trong các tác phẩm của mình.
[ii] Nosferatu là một từ Rumani cổ, có nghĩa là “ma cà rồng”. Từ này được dùng phổ biến trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, trong tiểu thuyết Dracula và bộ phim cùng tên Nosferatu.
Theo bookaholic.vn