Những bí quyết thuyết trình chưa có ai nói với bạn
Có những người thuyết trình nghe mà như thấm từng câu, nhưng cũng có những người, học thuyết trình đủ kiểu, đủ nơi cũng chưa thể thành chính quả. Nếu bạn thuộc nhóm thứ hai, rất có thể là những gì bạn được dạy không phù hợp với bạn. Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm rất khác, những bí quyết thuyết trình chưa ai nói với bạn! Bạn đã sẵn sàng để tìm kiếm bí quyết thuyết trình thích hợp nhất cho mình?
Kiểm soát sự lo lắng
Lo lắng trước khi thuyết trình là chuyện thường ngày. Bạn sẽ cần hít thở sâu, cần bình tĩnh nhưng nói dễ hơn làm. Nếu không kiểm soát tốt tâm trạng, bạn sẽ dễ bị rối, quên mất những điều cần nói tiếp theo, rồi lại ậm ừ không nói rõ được.
Tốt nhất là trước khi nói, bạn hãy chấp nhận sự thật là mình đang lo muốn chết và điều chỉnh hơi thở, thở đều và sâu. Khi nói, bạn đừng dùng câu chữ to tát, hãy dùng ngôn ngữ giản dị, gần gũi để người nghe dễ hiểu và dùng nhiều câu hỏi để thu hút sự chú ý của họ vào bài nói.
Đừng nghĩ ngợi cần nói gì tiếp theo, hãy tập trung vào hiện tại. Rồi câu từ sẽ tuôn ra một cách rất tự nhiên!
Hơi thở
Thông thường, chúng ta vẫn hay thở bằng ngực. Thở ngực có nhược điểm là không khí hít vào không được nhiều, thở ra lại rất nhanh mà khi thuyết trình, bạn phải nói liên tục trong một thời gian nên cần phải hít vào nhiều lần hơn bình thường, do đó bạn sẽ dễ mệt hơn và nhanh hụt hơi.
Thở bằng bụng sẽ giải quyết vấn đề này cho bạn.
Bạn có để ý thấy các loại ếch nhái có tiếng kêu rất vang, to đều phập phồng bụng không? Lí do là chúng thở bụng đấy.
Để hơi được dài, nói được lâu, bạn hãy hít sâu, dồn không khí xuống bụng, giữ không khí lại một chút rồi thở ra từ từ rồi bạn sẽ thấy hiệu quả khi thuyết trình.
Tốc độ nói
Người ta sẽ lắng nghe bạn hiệu quả nhất khi bạn nói ở tốc độ trung bình mọi người vẫn sử dụng khi giao tiếp hàng ngày. Theo các nhà khoa học, tốc độ nói hợp lí là khoảng 150 từ mỗi phút.
Nếu bạn nói quá nhanh, nhìn vào thì có vẻ rất chuyên nghiệp nhưng thực tế sẽ khiến thính giả cảm thấy bị áp lực, họ phải tăng tốc độ xử lí thông tin để nghe hiểu những gì bạn nói. Đến một mức độ nào đó, họ sẽ thấy mất cảm tình và không còn muốn lắng nghe bạn nói nữa.
Ngược lại, nếu bạn nói quá chậm, ai nghe cũng thấy rề rà, mất thời gian, không thu nhận được nhiều thông tin hữu ích. Dần dần họ cũng sẽ bị xao nhãng.
Vì vậy hãy giữ phong độ 150 từ/phút nhé!
Eye contact
Thông thường bạn sẽ được dạy là bạn cần tương tác với người nghe bằng cách nhìn vào mắt họ. Khi bạn nhìn vào mắt người khác, họ cũng sẽ nhìn lại bạn và sẽ tập trung sự chú ý vào bạn.
Nhưng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nó có thể tiết lộ nhiều thông tin về trạng thái, cảm xúc của bạn cho người đối diện và phản ứng của họ có thể khiến bạn bị ảnh hưởng. Vì vậy nếu bạn đang bị thiếu tự tin, mất bình tĩnh, đừng nhìn thẳng vào mắt người khác!
Thay vào đó, hãy nhìn vào lông mày của họ!
Khoảng cách không lớn giữa lông mày và mắt sẽ tạo cho họ cảm giác bạn đang nhìn vào mắt họ. Đồng thời bạn cũng không bị rối trí thêm.
Body language
Vấn đề mọi người hay vướng mắc khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể là thấy tay chân của mình thừa thãi, không biết nên để đâu cho đúng.
Để chữa cháy tạm thời thì bạn có thể cầm tạm một thứ gì đó, ví dụ như một cái bút, điều khiển máy chiếu hoặc một cuốn sổ nhỏ.
Về lâu dài, bạn hãy chăm chỉ đi tập thể dục, học nhảy, học khiêu vũ, yoga… nói chung là những môn đòi hỏi phải phối hợp tay chân nhuần nhuyễn. Trải qua thời gian luyện tập, bạn sẽ dần điều khiển tay chân thoải mái, không bị bó buộc phải làm như thế này như thế kia.
Mỗi người đều có một cách học thuyết trình riêng cho mình. Hi vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ thu nhận được nhiều kinh nghiệm có ích cho mình.
Thuyết trình là một kĩ năng cần thiết cho tất cả mọi người. Lúc còn đi học, bạn cần thuyết trình trước thầy cô, bạn bè, lúc đi làm bạn cần thuyết trình về sản phẩm, ý tưởng, đề xuất kế hoạch trước sếp và đồng nghiệp. Vì thế hãy rèn luyện kĩ năng này thật thuần thục nhé!
theo 8morning