Khi Nhà Tuyển Dụng Bị Ngộ Độc CV
Chia sẻ từ bạn Minh Trí
“Chào các bạn,
Trước hết, tôi xin tự giới thiệu về công việc hiện tại của mình. Tôi đang làm trong bộ phận tuyển dụng nhân sự tại một công ty quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chính của tôi mỗi ngày là sàng lọc và tìm những hồ sơ ứng tuyển phù hợp nhất với vị trí công việc mà công ty đang tìm kiếm. Nếu tính trung bình, mỗi ngày tôi nhận được khoảng 80 -100 CV từ các ứng viên. Và có lẽ vì vậy, tôi cảm thấy mình đang bị “ngộ độc” với những CV còn chưa được hoàn thiện và mắc nhiều lỗi giống nhau.
Tại sao tôi lại dùng chữ “ngộ độc” ?
Tôi xin dùng hình tượng thực khách trong một nhà hàng để bạn dễ hiểu và nhớ lâu hơn nhé. Nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên cũng giống như một thực khách gọi món ăn trong nhà hàng – Một món ăn ngon đáp ứng đủ những yêu cầu và mọng đợi của thực khách cũng giống như một CV tốt sẽ bao gồm những tiêu chí ứng tuyển mà tuyển dụng tìm kiếm. Hơn nữa bạn cần phải trang trí CV sao cho hấp dẫn và đẹp mắt nhất để nổi bật giữa muôn vàn những món ăn CV khác.
Nếu bạn không muốn 5 tình huống sau có thể xảy ra khi thực khách nhận được món ăn của bạn, hãy tránh những sai lầm tương tự dưới đây.
1. “Tôi không gọi món này”
Theo quan sát của tôi, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn mới tốt nghiệp thường sẽ làm 1 CV giống nhau và rải ở nhiều vị trí công việc. Với quan điểm lấy số lượng bù chất lượng, nhiều bạn không đọc kỹ lại yêu cầu công việc và nộp CV một cách nhanh chóng. Tâm lý may rủi, cho rằng gửi nhiều sẽ có thêm cơ hội là một quan điểm sai lầm. Nhà tuyển dụng tìm kiếm người phù hợp nhất chứ không phải là người giỏi nhất. Và để trở thành người phù hợp nhất, thì trước hết bạn phải hiểu nhà tuyển dụng đang cần gì và muốn gì.
Lời khuyên của tôi giành cho các bạn là hãy tìm và sàng lọc những công việc phù hợp nhất với khả năng và trình độ của bản thân. Sau đó, chăm chút CV cho đúng với những yêu cầu công việc từ nhà tuyển dụng trước khi gửi. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được thời gian mà còn tăng cơ hội tìm việc của bạn.
2. “Nhìn là không muốn ăn rồi”
Một món ăn đẹp mắt chắc chắn sẽ thu hút thực khách. Dù chưa biết nội dung CV của bạn tốt hay xấu nhưng yếu tố trình bày sẽ là điều tạo ấn tượng đầu tiên. Với một số lượng CV không hề nhỏ mà nhà tuyển dụng lọc ra mỗi ngày, trình bày cẩu thả có khả năng bị loại ngay từ vòng gửi xe. Đừng quên tránh những lỗi căn bản khi trình bày CV của mình:
- Lỗi chính tả, ngữ pháp, dấu câu, fonts và cỡ chữ
- Tùy theo nghành nghề, bạn có thể sử dụng những mẫu CV sáng tạo để sáng tạo nhưng không nên sử dụng quá nhiều màu sắc mà chỉ chọn những màu dịu nhẹ như xanh, trắng, xám
- Luôn nhớ CV của bạn phải rõ ràng và dễ đọc.
3. “Sao mà ngọt dữ vậy ?!”
Những lời hoa mỹ chung chung hay phóng đại quá đáng là điều cần tránh khi viết CV. Tôi vẫn còn nhớ một câu trong hồ sơ ứng tuyển cho vị trí Marketing Assistant: “Tạo ra nhiều chiến dịch quảng cáo giúp thu hút hàng triệu khách hàng (?!)”. Những thông tin mơ hồ và có phần phóng đại nên được hạn chế hoặc loại bỏ. Nếu bạn đã hoàn thành một dự án (từ trường lớp hay công ty cũ), đừng quên thể hiện sự rõ ràng và tính chân thật bằng những con số, bằng chứng cụ thể.
4. “Mặn quá.”
Khái niệm CV ấn tượng, đặc biệt, mang dấu ấn cá nhân không đồng nghĩa với việc bạn cho quá nhiều thông tin riêng tư vào bài viết. Tôi từng đọc CV quá tập trung vào phần sở thích cá nhân mà lại bỏ quên những phần quan trọng khác. Bạn chỉ nên chọn lọc những thông tin cơ bản như địa chỉ liên hệ và một vài sở thích cá nhân (phù hợp với yêu cầu công việc) để đưa vào CV. Ví dụ như nếu bạn ứng tuyển vị trí làm nhà báo/PR/Content Writer, hãy đề cập những sở thích liên quan như đọc sách, tin tức, báo chí, viết blog, viết truyện,…
5. “Chưa ăn đã thấy ngán”
Cái gì nhiều chưa chắc đã tốt. Việc chọn lọc thông tin rất quan trọng trước khi viết CV. Những hồ sơ ứng tuyển dài tràng giang đại hải chưa chắc đã mang lại ấn tượng và hiệu quả như một CV gói gọn trong 1-2 trang. Lời khuyên của tôi là hãy list những thông tin bạn dự định đưa vào CV và check lại xem chúng có thật sự cần thiết. Tôi đã từng đọc những CV dài đằng đặc với các thành tích, giải thưởng từ thời điểm ứng viên còn học … tiểu học. Đừng quên là “nói nhiều lại thành nói sai” nên bạn hãy chọn lọc thật kỹ và cô đọng lại nội dung khi viết CV.
Là một nhà tuyển dụng nhân sự, bản thân tôi rất hiểu mỗi một hồ sơ xin việc đều là sự đầu tư công sức không nhỏ của ứng viên khi xin việc. Và cũng vì thế, tôi mong các bạn tránh lặp lại những lỗi sai cơ bản và mất cơ hội một cách đáng tiếc. Mách nhỏ cho bạn một tips hữu ích khi viết CV, đó là hãy tìm hiểu kỹ về công ty bạn định apply trước khi viết. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Chỉ khi hiểu “khẩu vị” của thực khách thì bạn mới có thể phục vụ những món ăn phù hợp nhất và giữ chân được họ.
Cùng HRP VIỆT NAM tham gia chương trình khảo sát việc làm để có chất lượng lao động và nghề nghiệp tốt hơn nhé.
Tham gia khảo sát việc làm tại đây: Khảo sát việc làm
_#CSCN – Chia Sẻ Chủ Nhật_