Hãy thực tập trước khi làm thật đi, vì nó tốt cho bạn!
Nếu ngôi trường đại học của bạn, bắt bạn phải đi thực tập thực tế cuối năm bằng được, mà không phải chỉ là yêu cầu nộp một tờ giấy chứng nhận với cái dấu đỏ. Thì hãy thầm cảm ơn rằng bạn đang được đào tạo tại một môi trường đại học rất tốt.
Công việc thực tập mang đến lợi ích gì cho bạn?
- Giúp bạn hiểu bản thân hơn.
Trong quá trình thực tập bạn sẽ được làm tất tần tật các công việc liên quan đến đề tài bạn đang thực tập, bạn nên biết rằng trên giảng đường là lượng kiến thức bằng lý thuyết muốn nó phát huy được thì cần phải thực hành. Trong quá trình thực hành bạn sẽ hiểu được đâu là điểm mạnh. đâu là điểm yếu của bản thân.
2. Sẽ làm việc với nhiều kiểu người
Nếu bạn là người đọc nhiều tin tuyển dụng, chắc chẳng lạ gì với cụm từ ‘teamwork’ rồi đúng không. Teamwork là đòi hỏi bạn phải biết làm việc nhóm và không chỉ làm làm việc nhóm với bạn bè hay những người mình đã quen đâu nhé, bạn phải sẵn sàng làm việc nhóm với tất cả mọi người.
Đây chính là môi trường tốt nhất để rèn luyện bản thân trong việc nhìn người, lựa người mà biết cách ứng xử cho hợp lý nhé các bạn.
3. Bạn sẽ được học giao tiếp
iống như ‘teamwork’, ‘communication’ là kĩ năng bạn bắt buộc phải có dù bạn đang định chọn công việc nào. Không chỉ đơn thuần là có giỏi giao tiếp hay không mà bạn còn phải biết cách điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với mỗi người. Ví dụ với các anh chị trong phòng nơi mình thực tập, có người thích làm việc qua email, có người lại thích gọi đến tận nơi giao việc trực tiếp. Có người thích gửi email phải chào hỏi thưa gửi đầy đủ, có người lại chỉ cần viết nhanh vài dòng tập trung vào nội dung là được. Không có gì đúng hay sai ở đây cả, mà quan trọng là bạn phải tập nhìn, quan sát và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp.
4. Không ngừng học hỏi, không được bỏ cuộc
Khi phỏng vấn thì rất nhiều bạn háo hức, mong được nhận để đi làm ngay. Những ngày đầu tại công ty cũng có vẻ vui. Nhưng chỉ sau 2-3 tuần, một số bạn bắt đầu chuyển sang trạng thái chán. Lý do thì nhiều vô kể, vì công việc không hợp ngành mình học, vì sếp khó tính, vì bạn toàn phải làm việc chả liên quan, vì A, vì B, vì C.
Quan điểm cá nhân của mình là, nếu bạn đã quyết định chọn gắn bó với một công việc, hãy gắn bó với nó ít nhất 4 tháng. 4 tháng là con số tối thiểu để bạn nắm bắt được hết công việc, cũng như để bạn có thể tự tin phần nào để nói rằng mình đã hợp hay chưa. Còn các vấn đề mà bạn đang kêu than? Nếu sếp khó tính, hãy thử xem lại xem sếp vì sao lại như thế, tại mình hay tại 2 bên chưa hiểu nhau? Nếu công việc lặt vặt nhiều quá, hãy xem bạn đã đủ khả năng để đảm nhiệm các trọng trách lớn hơn chưa, nếu rồi hãy đề đạt. Đừng ngại.
Ngoài ra, trong thời gian thực tập, hãy cố gắng học. Không những học chuyên môn, mà học cả từ những kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Mời các anh chị một buổi ăn trưa hoặc cafe, chém gió và xin anh chị chia sẻ kinh nghiệm làm việc, từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình.
5. Hãy học cho mình tính cách ‘Resilience’
‘Resilience’ ại ý của nó là ‘khả năng phục hồi’. Trong công việc cũng như cuộc sống, bạn chắc chắn sẽ thất bại đôi lần. May mắn thì 1-2 lần thôi, kém may hơn thì nhiều lần. Nhưng đó là chuyện thường tình thôi, đừng nản nhé. Chẳng có ai là hoàn hảo cả. Quan trọng là bạn biết đứng lên từ thất bại, can đảm nhìn vào xem vì sao mình thất bại để không lặp lại những sai lầm đó nữa. Và hãy tin tưởng bản thân. Chính bạn mà không tin vào bản thân mình, thì ai dám tin vào bạn nữa đây.
Theo: editer HRP Việt Nam