Lười là thứ ai cũng mắc phải, một vấn đề liên quan tới tâm lý mà hàng trăm triệu người gặp phải. Không phải chúng ta không muốn “thoát” lười, vấn đề chủ yếu ở đây luôn là những cám dỗ khác trong cuộc sống khiến hoạt động của con người bị phân tâm. Ai cũng muốn làm những công việc dễ dàng, thư giãn nhiều hơn… đó là những lý do vì sao lười biếng trở thành căn bệnh khó lòng chữa khỏi.
Về lâu về dài, những hoạt động khiến chúng ta lười dần trở thành thói quen. Vậy, phải làm sao để loại bỏ những thói quen gây lười và hoàn thiện bản thân? Dưới đây là 10 điều bạn có thể dần thực hiện để sớm thoát khỏi bệnh lười.
1. Luôn nhẹ nhàng với bản thân
Khi lười, ai cũng cho phép mình cái quyền đúng, làm mọi thứ theo ý muốn. Nhưng rồi khi tỉnh ra, chúng ta bắt đầu trách cứ bản thân vì quãng thời gian bị lãng phí. Điều này đôi khi có ích và giúp chúng ta đỡ lười hơn trong một khoảng thời gian, nhưng lâu dài nó không thực sự là giải pháp hiệu quả.
Trách cứ bản thân luôn làm con người tự hạ giá trị mình và khiến chúng ta cảm thấy thất bại, sự thất bại dẫn tới nhiệt huyết làm mọi thứ giảm đi từ đó khiến lười biếng càng dễ quay lại.
Trong lần trách cứ bản thân tiếp theo, đừng quá gay gắt, chẳng phải quãng thời gianlười biếng bạn đã đạt được những thành tựu nào đó rồi sao? Chỉ có điều sự đánh đổi này không hợp lý nên chúng ta cần thay đổi mà thôi.
2. Làm những công việc nhỏ, từng bước một
Bạn không cần hoàn thành tất cả các công việc trong một lúc, đây là điều ai cũng biết. Thế nhưng, bạn phải bắt đầu thực hiện để nó có thể kết thúc, đừng ép mình phải thực hiện quá nhiều thứ một lúc, bản thân chúng ta sẽ thấy mệt mỏi và chán nản. Thay vì thế, hãy bắt đầu với những bước thật nhỏ.
Bạn rất muốn làm việc, đừng vội nghĩ tới chuyện sẽ làm chúng ra sao và như thế nào, trước hết hãy chuẩn bị đủ các công cụ, tư liệu cần để hoàn thành công việc. Sau khi chuẩn bị xong công cụ hãy thực hiện những bước đầu tiên như lên kế hoạch, bạn có thể nghỉ ngắn giữa các giai đoạn nhưng quan trọng là hãy thực hiện các bước này chứ đừng để chúng nằm mãi trong suy nghĩ.
Bạn muốn đi bộ trong 30 phút? Đừng nghĩ rằng mình phải đi trong 30 phút, hãy đi bộ 3 phút thôi và trong 3 phút đó bạn hãy quyết định xem mình muốn đi tiếp bao nhiêu lâu. Một khi đã thực hiện được nhiều bước, hãy bắt đầu tăng dần khối lượng, thời gian của từng bước và chẳng mấy chốc công việc sẽ hoàn thành.
3. Hãy ưu tiên làm những công việc có ý nghĩa nhất trước đã
Mỗi ngày tỉnh giấc, chúng ta đều có những mục tiêu rất to lớn trong ngày. Đừng nghĩ tới những thứ đó, hãy nghĩ tới các mục tiêu nhỏ hơn, giả sử như có một bữa sáng tuyệt vời, đăng được vài trạng thái “nhiều like” trên mạng xã hội… Hãy ưu tiên thực hiện những thứ đó trước vì nó sẽ là nhiên liệu giúp bạn hoạt động cả ngày.
Thực hiện được những mục tiêu có ý nghĩa rất lớn do chúng giúp ta cảm thấy hứng khởi hơn, có ý chí thực hiện các công việc khó khăn hơn. Nếu bạn lập tức thực hiện các mục tiêu to lớn và thất bại, ý chí sẽ thụt lùi cả ngày và bạn khó lòng làm được gì khác.
4. Tự cho phép mình được lười
Đừng ai nghĩ rằng chữa khỏi bệnh lười là công việc đơn giản, nó là một quá trình và bạn cần cho phép mình được lười trong quá trình chữa lười. Trước khi làm công việc nào đó, hãy tự hứa với bản thân mình sẽ được phép lười sau khi thực hiện công việc này. Thế nhưng, khoảng thời gian lười bạn cho phép bản thân cần ngắn hơn khoảng thời gian làm việc để hiệu quả đạt được tối ưu nhất.
Những khoảng thời gian lười này cho phép bạn nạp lại năng lượng, sạc lại tinh thần cho các công việc tiếp theo. Ban đầu bạn có thể lười nhiều hơn, sau đó hãy cố gắng gỉảm thiểu thời gian lười/nghỉ giữa các công việc.
5. Dập tắt mọi yếu tố có thể gây phân tâm
Bạn cần làm việc nhưng chiếc giường trong phòng quá thu hút và bạn chỉ muốn ôm lấy nó ngay khi có thể? Hãy tìm một vị trí khác để làm việc, thậm chí là một nơi khác rất xa. Bạn ở trên văn phòng nhưng chiếc điện thoại luôn hiện thông báo mạng xã hội và bạn phải kiểm tra nó bất cứ khi nào điện thoại sáng? Hãy tắt thông báo điện thoại hoặc thậm chí tắt luôn điện thoại đi nếu bạn cần sự tập trung cao độ.
Loại bỏ các yếu tố gây phân tâm, xao nhãng sẽ giúp bạn hạn chế được các yếu tố có thể gây lười từ đó tập trung làm việc hơn. Tuy nhiên, bạn cần loại bỏ những yếu tố phân tâm kia trước khi làm việc để không bị sa đà trong quá trình làm.
6. Tìm cảm hứng trong cuộc sống để khởi động tốt hơn
Nếu bạn đang lười, trong 5,10 hay 15 năm tới bạn sẽ ra sao? Và cuộc sống bạn sẽ ra sao nếu như bạn bớt lười biếng hơn? Mặc dù câu trả lời không thể chính xác 100% so với thực tế, nhưng những so sánh như trên có thể giúp bạn có cảm hứng để bắt đầu mọi thứ.
Cảm hứng là thứ quan trọng cho những chặng đường dài, nhưng bạn có thể lục lại nó mỗi ngày để biết mình cần làm gì và bắt đầu vào lúc nào. Thế nhưng, nếu bạn cho phép mình ở 10 năm tới tệ hại, nghèo nàn thì hãy cứ lười đi.
7. Cân bằng lại cuộc sống
Đôi khi chúng ta không lười nhưng vì có quá nhiều thứ dồn nén, quá nhiều công việc cần làm nên bản thân cảm thấy chán nản và lười có cơ hội phát triển. Ví dụ như bạn có cả đống việc cần phải làm nhưng vì chúng quá nhiều, lấn cả vào thời gian giải trí nên bạn quyết định giải trí trước khi làm sau đó thì lại tốn quá nhiều thời gian cho giải trí mà quên mất phải làm việc.
Trước hết, nếu công việc quá nặng và khiến bạn mệt mỏi, hãy tìm sự trợ giúp. Sếp giao quá nhiều việc trong 1 ngày? Hãy lên tiếng vì sự tự do của bản thân. Sau đó phân chia một ngày thành nhiều khoảng thời gian để có thể nghỉ ngơi hợp lý giữa quá trình làm việc, khi bạn thoải mái với mọi thứ, bạn sẽ có sự cân bằng và khi đó lười không còn là vấn đề nữa.
8. Hãy chấp nhận thất bại và đừng ngại đi vào con đường khó khăn
Người lười luôn tìm ra con đường ngắn nhất để hoàn thành công việc, điều này không sai. Thế nhưng nếu thực hiện nó quá độ, bản thân mỗi người sẽ ngày một lười đi tới mức họ không muốn làm gì nữa.
Vì sao họ luôn chọn con đường ngắn nhất? Lười biếng chỉ là 1 lý do, đa phần chúng ta sợ thất bại nên không dám thử sức trên con đường dài, quanh co. Con đường ngắn có thể tới đích nhanh hơn nhưng nó rủi ro và chẳng ai biết liệu ta có tới nổi đích hay không trong khi con đường dài khó khăn hơn rất nhiều nhưng nó chắc chắn đưa ta tới đích.
9. Hãy xin tư vấn, động viên từ những người khác
Nếu bạn lười và muốn thoát lười, đừng xin trợ giúp từ những người có cùng hoàn cảnh, hãy hỏi những người chăm chỉ và xin họ lời khuyên. Những lời khuyên từ người chăm chỉ có thể cho bạn thấy lý do vì sao họ chăm chỉ tới vậy và họ có thể thuyết phục để bạn chuyển hoá thành con người bớt lười hơn.
Nếu họ có thể thuyết phục được bạn, hãy thay đổi theo họ, từng bước một và lười sẽ sớm qua đi.
10. Hãy hưởng thụ hết mức khoảng thời gian lười của bản thân
Bạn cho phép mình lười, không vấn đề gì, nhưng hãy trân trọng khoảng thời gian lười biếng đó và hãy coi nó là khoảng thời gian để tái nạp năng lượng chứ không phải khoảng thời gian giải trí vô bổ. Hãy cố gắng tránh xa những hoạt động lười vô bổ như chơi trò chơi điện tử, dùng mạng xã hội hoặc xem TV vì chúng chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân.
Khi lười bạn có thể đọc một cuốn sách, ngủ một chút hoặc thậm chí là nằm dài uống cafe, những hoạt động này có ích hơn, giúp bạn thư giãn hơn và chúng có nhiều lợi ích hơn là xem TV hay lướt mạng xã hội.
Thêm nữa, hãy thật trân trọng khoảng thời gian lười biếng này để bạn có thể thấy mình đã nghỉ ngơi đủ không tiếc nuối và sẵn sàng hoàn thành công việc để được có lại khoảng thời gian quý giá đó.