Người Việt Chinh Phục ‘Thiên Đường Công Nghệ’ Silicon Valley
GotIt! hiện là một trong những ứng dụng giáo dục hàng đầu với khoảng 200 ngàn chuyên gia trên khắp thế giới. Không chỉ gói gọn trong giáo dục, GotIt! đang có kế hoạch mở rộng ra các lĩnh vực khác với mong muốn bất cứ ai có câu hỏi đều có thể kết nối với chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực đó và được giải đáp trong vòng 10 phút mà không cần phải tìm câu trả lời trong hàng triệu kết quả của Google.
Nhắc tới GotIt! không thể không nhắc đến Trần Việt Hùng, vị CEO trẻ đã huy động được 9 triệu đôla tiền vốn để phát triển công ty và thành công ở “thiên đường công nghệ” Silicon Valley.
Anh Trần Việt Hùng sinh ở Nam Định, Việt Nam. Bố mẹ anh là công chức địa phương, và theo anh, hoàn cảnh gia đình “cũng chả giàu mà cũng chả nghèo, đại loại là đủ sống”. Tuy nhiên, bố mẹ anh khá nghiêm khắc đối với việc học hành và luôn ưu tiên cho việc học của con.
Những cú sốc
Có lẽ chính vì thế mà khi biết anh Hùng có ý định bỏ học để tập trung vào xây dựng công ty, mẹ anh đã suýt bỏ về nước ngay lập tức vì chỉ thích con làm tiến sĩ. Theo anh, đấy là một cú sốc vì lúc đó anh vừa mới thành lập công ty, vừa chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp, lại vừa có em bé, nên mẹ anh ở Việt Nam sang để giúp đỡ vì thấy vất vả quá.
Anh nói: “Phải thuyết phục mãi, mất bao nhiêu thời gian mới giải quyết được cái vụ đấy. Đấy là cái tương đối sốc vì mình thấy ở Việt Nam mọi người vẫn rất quan trọng những ai mà học hành, bằng cấp các thứ nhiều hơn là đi làm công ty, mà nhiều khi đi làm công ty làm rất nhiều thứ hay ho, thú vị, nhưng mà không quan tâm. Đấy là những cái mà mình rất là suy nghĩ”.
Khi còn ít kinh nghiệm về kinh doanh, anh Hùng và người đồng sáng lập đã tìm thuê một người tương đối thành công để làm CEO nhưng cuối cùng, theo lời anh, mọi thứ trở nên “nát bét” và dính đến việc hù dọa kiện tụng.
Thời điểm quyết định chuyển công ty từ Iowa sang Silicon Valley với số vốn ít ỏi vài chục ngàn đôla trong tài khoản, anh đã phải để vợ đưa các con về Việt Nam vì cuộc sống ở California quá đắt đỏ, gia đình 4 người không thể “sống sót” được.
Nhưng điều khiến anh thấy sốc và ảnh hưởng tới suy nghĩ trong cả quá trình khởi nghiệp lại là việc khi đi gọi vốn, các nhà đầu tư luôn trong trạng thái 50-50 vì “chưa thấy có chú Việt Nam nào ở trong nước qua đây mà thành công cả”.
Động lực khiến anh có thể tiếp tục con đường của mình bất chấp khó khăn chính là niềm vui từ các phản hồi tốt của khách hàng, hay chính sự phát triển của công ty.
Anh tâm sự: “Có những lúc mà mình thấy mình vượt qua tất cả những cái app nổi tiếng khác, vượt qua tất cả các cái công ty mà mạnh hơn mình nhiều, chẳng hạn về số lượng người dùng, về các cái chỉ số tăng trưởng, thì những thứ đấy là những thứ mà rất là vui hoặc là khi mà tuyển được những nhân viên rất là giỏi chẳng hạn”.
Quan điểm giáo dục
Là người đứng đầu công ty phát triển ứng dụng giáo dục, nhưng anh Hùng quan niệm “học hành chỉ là một phần làm nên kết quả của cá nhân thôi, không cứ học giỏi là sẽ có tất”.
Anh chia sẻ: “Ngày xưa mình đi thi học sinh giỏi thì nhiều khi mình phải bỏ tất cả những cái môn khác để mà tập trung vào cái môn mà mình đi thi, và nhiều khi mình thấy sau đấy cái kiến thức nó hổng nhưng mình vẫn được tung hô quá mức, được gọi là tung lên mây, thì mình nghĩ sau này mình thấy nhiều thứ mình không biết, mình thấy thực sự là thấm. Những cái giải thưởng các thứ thì gần như cũng chỉ là thoảng qua thôi nhưng mà nhiều khi ảnh hưởng lâu dài rất là cao”.
Đối với các con, anh Hùng cũng muốn để con trẻ có thể tự cân bằng, không phải cuốn vào những thứ mong muốn của người lớn. Anh luyện cho các con những kỹ năng tốt như đọc sách, tính kiên trì, và nếu các con thích cái gì thì sẽ hỗ trợ chứ không bắt ép phải học cái này hay cái khác. Và đặc biệt các con anh chỉ được xem tivi 2 giờ vào mỗi cuối tuần.
Không “sợ” người giỏi hơn mình
Khi đề cập đến việc liệu có áp lực nào không khi điều hành những người giỏi hơn mình, anh Hùng cho biết:
“Những lúc mà mình cực kỳ non kinh nghiệm thì nhiều khi vẫn có suy nghĩ, cũng không biết có phải là do ảnh hưởng của thời gian làm việc ở nhà không, ở nhà thì bao giờ cũng có suy nghĩ sếp là người giỏi nhất, không được giỏi hơn sếp… Khi mà mình cảm giác như mình tuyển được người giỏi hơn mình thì lúc đấy mọi thứ chạy ro ro đâu vào đấy, lúc đấy mình mới thấm hết”.
Với quan điểm tuyển dụng những người chỉ như mình vào công ty thì nhiều khi còn “rối rắm” hơn, anh Hùng cho rằng nếu muốn một cái gì đó thay đổi mang tính cách mạng thì việc tuyển những người giỏi hơn mình là điều bắt buộc và sẽ hỗ trợ hết mức có thể để mọi người thể hiện tài năng. Anh luôn trăn trở liệu “mình có hỗ trợ cho người ta ở cái mức mà người ta cần hay không”.
Xuất phát từ những suy nghĩ đó, anh Hùng luôn hướng tới phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. Mỗi khi có dịp về nước, anh thường trò chuyện với những bạn trẻ ở các diễn đàn, các buổi thảo luận chuyên đề về sản phẩm… Anh chia sẻ cả những kinh nghiệm “thương đau” cũng như kinh nghiệm có kết quả tốt, những điều kiện cần có để xây dựng công ty và sản phẩm toàn cầu.
Sau 6-7 tháng thử nghiệm ở Việt Nam với khoảng 50 người, anh Hùng thấy rằng có những người còn làm tốt hơn cả chuyên gia của các nước khác. Tháng 6 vừa qua, GotIt! khởi động chiến dịch tuyển 10 nghìn bạn trẻ Việt Nam làm chuyên gia, và trước mắt, GotIt! có thể giúp các sinh viên khối A hoặc các giáo viên trẻ mới ra trường có thêm thu nhập tương đối tốt hơn so với các công việc làm thêm khác. Đó là những điều thiết thực mà GotIt! có thể làm được ở Việt Nam.
Theo: voatiengviet.com