Life is good: câu chuyện khởi nghiệp từ số vốn 78 USD
“Nếu không đi xuyên Mỹ để trải qua những điều mới mẻ, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ mở mang tầm mắt mà nghĩ rằng, mình sẽ bắt tay vào kinh doanh”. Thời gian đầu khởi nghiệp chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn. Có những thời điểm tưởng chừng chúng tôi phải bỏ cuộc thế nhưng …
Sơ lược hành trình khởi nghiệp của Life Is Good
John, người đồng sáng lập công ty may mặc Life is Good cùng với anh trai mình, nói với Business Insider rằng nhờ có chuyến đi ấy, hai người đã quyết định theo đuổi một hướng đi khởi nghiệp mới, đó là bán áo thun.
Ban đầu khởi nghiệp, hai anh em đặt tên công ty là Jacob’s Gallery, và liên tục đi khắp Bờ Đông nước Mỹ để bán áo thun cho sinh viên đại học trên chiếc xe Plymouth Voyager cũ kỹ. Nhưng công việc kinh doanh gặp khó khăn buổi đầu, có thời điểm hai anh em chỉ còn 78 USD trong tài khoản.
Mặc dù vậy, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi họ đưa ra một mẫu thiết kế mới vào năm 1994. Sự thành công của ý tưởng này đã khiến họ đổi thương hiệu và ra mắt cái tên mới Life is Good. Chỉ trong vòng 3 năm sau đó, hai anh em đã vượt mốc 1 triệu USD doanh thu. Giờ đây, sản phẩm của Life is Good đã được bán ở 4.500 cửa hàng, với doanh thu đạt trên 100 triệu USD.
Lạc quan vượt khó từ nhỏ
John và Bert Jacobs là hai đứa con út trong một gia đình có 6 người con ở vùng ngoại ô Boston (bang Massachusetts, Mỹ). Trong quyển sách mới có tên “Life is Good” (tạm dịch: Cuộc sống tươi đẹp), họ mô tả tuổi thơ của mình là “hoàn toàn không hoàn hảo”.
Mặc dù vậy, mẹ của họ lại luôn tìm cách để dạy cho các anh em có một tinh thần lạc quan với cuộc sống. Sau mỗi lần vui chơi cả ngày, trở về nhà ăn tối, người mẹ thường hỏi họ một câu mà sau này đã trở thành nguồn cảm hứng cho công việc kinh doanh và khởi nghiệp của họ: “Hôm nay có gì tốt đẹp không?”.
“Thay vì phàn nàn về mọi chuyện trong ngày hôm đó, như chuyện đánh nhau hoặc cãi vã, bà hướng mọi người đến những chuyện tích cực hơn”, hai anh em kể lại trong quyển sách.
Vẫn lạc quan khi bi kịch xảy đến với gia đình
Chính tinh thần lạc quan ấy đã giúp ích được họ trong thời gian học tiểu học. Thời gian đó, cha mẹ của họ gặp phải tai nạn ô tô nghiêm trọng, nhưng may mắn thay, người mẹ chỉ bị gãy xương nhẹ, trong khi người cha bị mất khả năng sử dụng tay phải.
Sự căng thẳng và thất vọng từ những đợt vật lý trị liệu đã khiến người cha trở nên hung hăng lạ thường. “Ông thường xuyên la hét khi chúng tôi học tiểu học”, John kể.
Nhưng ngay cả khi mọi chuyện tồi tệ đổ ập lên gia đình, mẹ của John vẫn hát ru, kể chuyện và diễn vai các nhân vật trong những quyển sách trẻ em cho họ mỗi đêm.
“Lạc quan luôn tồn tại trong gia đình chúng tôi, mặc dù hoàn cảnh đã khác trước”, họ viết trong quyến sách.
Chuyến đi xuyên Mỹ định mệnh
Năm 1988, hai anh em ưa mạo hiểm này đã quyết định thực hiện chuyến đi 7 tuần từ California, nơi John theo học, về lại Boston. Mục đích của chuyến đi là để tìm ra những gì cần phải làm cho việc khởi nghiệp tương lai của họ. ”Chúng tôi đã bắt đầu chỉ với một ít tiền mặt, một tấm bản đồ nước Mỹ, vài cuốn băng cassette do anh trai Allan soạn nhạc sẵn, và không hề có kế hoạch nào được sắp xếp trước”, họ viết.
Và theo John, hóa ra đây lại là một kế hoạch không tồi. Không chỉ là những ngày bơi dưới ánh nắng miền nam California tươi đẹp, gặp gỡ những người bạn tuyệt vời hay chơi bóng rổ ở Venice Beach, hai anh em còn khám phá ra điều cần làm cho cuộc đời họ: khởi nghiệp cùng nhau và làm những điều sáng tạo.
“Nếu chúng tôi không thực hiện chuyến đi đó để biết những chỗ mới, gặp những người bạn mới và trải qua những điều mới mẻ, có thể chúng tôi sẽ chẳng bao giờ mở mang tầm mắt mà nghĩ tới chuyện khởi nghiệp”, John nói.
Gian nan buổi đầu khởi nghiệp
Khi họ trở về Boston, hai anh em bắt đầu bán một vài mẫu áo thun dưới thương hiệu “Jacob’s Gallery” trong ký túc xá đại học và một số hội chợ đường phố quanh Boston. Nhưng công việc khởi nghiệp của họ không tiến triển tốt như mong đợi.
Hai anh em biết rằng sinh viên đại học có thể là khách hàng chính, nhưng họ lại chưa thể kết nối được với đối tượng này trong công cuộc khởi nghiệp của họ.
Hai người quyết định đặt cược công việc kinh doanh của họ vào một chiếc xe tải Plymouth Voyager cũ kỹ được mua với giá 2.100 USD. Từ đó, họ có thể đi lên đi xuống khu Bờ Đông để bán áo cho sinh viên đại học gần như mỗi tối.
Chiếc xe được mệnh danh là “The Enterprise” bởi nó đã chứa hết tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này: những chiếc áo thun và hai anh em John.”Ai cũng nghĩ chiếc xe đầu tiên của chúng tôi chắc phải là một chiếc xe đặc biệt, như Volkswagen Type 2 chẳng hạn. Nhưng không, đó chì là một chiếc Plymouth Voyager”, Bert kể với tờ The Huffington Post.
Thất bại là mẹ thành công
“Chúng tôi đã thử và thất bại cả ngàn lần”, anh em nhà Jacobs kể lại. Họ đã cố gắng tìm hiểu xem nguyên nhân là do những mẫu thiết kế xấu, do sinh viên không đủ tiền mua hay do họ đã đánh thức khách hàng dậy lúc 1 giờ sáng để hỏi “ai muốn mua áo thun?”.
“Khi bạn cố gắng, bạn sẽ đạt được điều bạn muốn hoặc học được điều gì đó. Nếu may mắn đạt được cả hai, bạn sẽ là người thành công”, anh em nhà Jacobs kết luận.
Thời điểm đó, hai anh em đã sắp bước sang tuổi 30 mà không có khoản dành dụm nào. Bạn gái của Bert chia tay anh sau khi mẹ cô khuyên cô nên quay trở về thực tại. “Anh ta gần 30 tuổi mà vẫn sống chung trên chiếc xe tải với em trai mình. Con cần phải tỉnh táo lại đi”, bà nói với bạn gái của Bert.
Nhưng hai anh em biết rằng nếu nghe theo lời người ngoài, có thể họ sẽ chọn được con đường an toàn hơn nhưng rồi sẽ bỏ lỡ cơ hội thực hiện công việc kinh doanh và khởi nghiệp đầy tiềm năng này.
Liều lĩnh với 78 USD
Để giữ tinh thần trong lúc khó khăn, hai anh em nhà Jacobs đã thường xuyên tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ sau mỗi chuyến đi.
Những bữa tiệc hóa ra là rất có lợi về lâu dài. Những vị khách sẽ được uống bia miễn phí và được nghe những câu chuyện du hành thú vị của hai anh em, ngược lại, họ sẽ được nghe những góp ý trung thực về những ý tưởng thiết kế mới.
Sau một chuyến đi thất bại, hai anh em chỉ còn 78 USD trong tài khoản ngân hàng. John và Bert vẫn quyết định liều lĩnh tổ chức một bữa tiệc nữa, và có lẽ sẽ là lần cuối cùng.
Lần này, hai anh em đã chia sẻ một mẫu thiết kế mới mà họ đã sáng tạo nên, sau khi suy nghĩ về chuyện họ ghét phải nghe những tin tức tiêu cực thế nào. Họ đã bàn về việc khó khăn ra sao để giữ tinh thần luôn tích cực trong một thế giới tiêu cực như vậy., họ tự hỏi.
Sau đó, John đã vẽ một gương mặt đội mũ bê-rê và đeo kính mát cùng với một nụ cười rạng rỡ. Thiết kế ngay lập tức gây sự chú ý lớn với khách tại bữa tiệc. Một người đã bình luận rằng: Đây là gương mặt của người đã tìm ra ý nghĩa cuộc sống.
Từ lời bình luận đó, hai anh em quyết định rút ngắn lại thành “Life is Good”, rồi in ra 48 chiếc áo thun và đem đến bán trong một hội chợ đường phố năm 1994 ở Cambridge (Massachusetts).
Mọi người bắt đầu thích những mẫu thiết kế
Mẫu thiết kế này bán hết chỉ trong vòng 1 giờ tại hội chợ, bao gồm cả hai chiếc mà họ mặc trên người. “Mọi người đã hiểu ngay ý tưởng của thiết kế, chúng tôi không cần giải thích gì hết”, hai anh em viết trong quyển sách.
Bert và John cảm thấy rất sung sướng. Cuối cùng thì họ cũng đã tìm được thông điệp họ muốn chia sẻ, và mọi người cũng hưởng ứng thông điệp ấy.”Chúng tôi đã tìm kiếm điều mọi người cần trong suốt nhiều năm liền”, John nói. “Sau đó, khi chúng tôi đưa ra mẫu thiết kế này, phản ứng của mọi người là rất tích cực. Đó đúng là những gì mà chúng tôi kỳ vọng”.
“Life is Good” cất cánh
Hai anh em biết rằng họ có thể tạo được bước ngoặt lớn nếu được nhiều người biết đến hơn. Vì vậy, họ đã mang những mẫu thiết kế đến giới thiệu ở khắp các cửa hàng thời trang quanh Boston. Mặc dù vậy, chẳng ai muốn nhận bán những mẫu thiết kế đó, cho đến khi một người chủ cửa hàng trên đường Cape Cod nhận bán 24 chiếc áo thun.
Nancy, chủ cửa hàng hỏi hai anh em rằng tên của gương mặt cười toe toét này là gì. Họ trả lời: “Jake”, bởi vì nó là chữ viết tắt của Jacobs. Sau đó, họ mới phát hiện ra từ này còn có nghĩa là: “everything’s all right” (mọi chuyện ổn cả).
Những chiếc áo thun này được bán hết sạch trong 2 tuần. Cuối năm đó, Life is Good đã bán được một lượng áo thun trị giá 87.000 USD.
Thuê nhân viên đầu tiên với mức lương 17.000 USD
Với nhu cầu cần chọn những mẫu thiết kế tốt, hai anh em quyết định đi một bước tiến lớn và thuê nhân viên đầu tiên: một cô gái hàng xóm 23 tuổi Kerrie Gross.
Khi thuê cô gái này để làm “quản lý kinh doanh”, họ hỏi cô muốn nhận mức lương bao nhiêu. Cô nói 17.000 USD và họ đã đồng ý.
Đến cuối năm, Công ty đã đạt doanh số 262.000 USD và đủ tiền để trả lương cho nhân viên đầu tiên này.Tự tin với doanh số bán hàng, hai anh em chuyển văn phòng vào một chiếc thùng container đặt trên mặt đất vào năm 1996.
Tinh thần lạc quan, hài hước vẫn là yếu tố quan trọng trong việc kinh doanh của hai anh em Jacobs. Có lần, họ gởi hóa đơn cho khách hàng kèm theo bức ảnh trên với một lời đùa hóm hỉnh: “Hãy trả tiền đúng hẹn để chúng tôi có thể thắp đèn và trả lương cho những nhân viên đói meo của mình”.
Doanh số vượt 100 triệu USD
Năm 1997, doanh số của Life is Good vượt ngưỡng 1 triệu USD và họ đánh dấu bước ngoặt này bằng cách thuê thêm 3 nhân viên mới và chuyển vào trong một văn phòng hoàn chỉnh ở Needham (Massachusetts). Tại đây, họ tiếp tục xây dựng một văn hóa công ty ưa chuộng sự hài hước.
Theo giải thích của hai anh em thì: “Tiếng cười giúp chúng tôi thư giãn, khiến chúng tôi tỉnh táo để suy nghĩ mọi việc thấu đáo trong giao tiếp, cũng như giải quyết công việc hiệu quả hơn”.
Life is Good sau đó phát triển thêm các mảng sản phẩm khác và giờ đây đã có 160 nhân viên làm việc, doanh số đạt 100 triệu USD và sản phẩm được bán tại 4.500 cửa hàng. John và Bert cũng trích ra 10% lợi nhuận hằng năm để cải thiện cuộc sống của trẻ em nghèo.
Và hai anh em nhà Jacobs cho là tất cả thành công của họ đều là nhờ bài học mà người mẹ của hai người đã dạy từ thời thơ ấu: “Truyền bá sức mạnh của sự lạc quan”.
“Chúng tôi muốn lan truyền thông điệp này và giúp mọi người hiểu được ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Cuộc sống không dễ dàng hay cần phải trở nên hoàn hảo, mà cuộc sống chỉ đơn giản cần phải tươi đẹp”, John nói.
Theo: Nhịp cầu Đầu tư