Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: ‘Đi để sống nhiều cuộc đời’
Quỳnh gọi những lần nghỉ việc, vét sạch tiền để đi chơi hay làm các thứ theo đam mê của mình là ‘nghỉ hưu non’. Càng trải nghiệm, anh càng thấy thế giới tuyệt vời, cái tôi bé đi, bớt phán xét và áp đặt người khác…
Chắc hẳn bạn còn nhớ Nguyễn Ngọc Quỳnh (chàng trai sinh năm 1985, đến từ Hà Nội), người đã giả làm ăn xin ở Nepal gây chú ý với câu nói: “Tôi vui. Hãy lấy tiền nếu bạn buồn. Hãy cho tôi tiền nếu bạn vui”. Sau trải nghiệm này, chàng “hành khất” Ngọc Quỳnh còn góp nhặt thêm vô số những điều hay ho khác trên miền đất Phật, bằng quan điểm về du lịch thú vị.
8X giải thích với Thanh Niên: “Tôi không thích xách ba lô lên và đi chỉ để thăm thú các địa danh người ta hay kháo nhau, thoả mãn cảm giác chinh phục hay có thêm một con dấu vào hộ chiếu. Với tôi, mỗi chuyến đi là cơ hội để thử một cuộc đời mới bằng nhiều tâm thế khác nhau, tìm thấy một phần chìm nào đó trong bản ngã mà chính mình cũng chưa biết…”.
Học tiếng Tạng và góc riêng ‘không đụng hàng’
Dù đến Nepal chỉ nửa tháng, song Nguyễn Ngọc Quỳnh đã tức tốc tìm một thầy giáo để học tiếng Tạng. Trong vài buổi, anh tập làm quen với chữ cái, cách ghép vần, cách đọc… Tình yêu với những câu chuyện về Tây Tạng huyền bí chính là động lực thôi thúc chàng trai trẻ học thứ ngôn ngữ này khi có dịp đến với Nepal.
Thầy giáo dạy tiếng Tạng của chàng trai Việt trong những ngày ở Nepal
Cũng từ việc học chữ và giao lưu văn hoá với thầy giáo, 8X nảy ra ý tưởng tương tác cùng người dân trong “thí nghiệm” ăn xin.
Ngoài việc giả làm ăn xin, Ngọc Quỳnh còn có gu chơi rất thú vị. Anh “đóng” nhiều vai, thuộc nhiều cấp bậc xã hội khác nhau từ người nghèo, người giàu, đến dân văn phòng để cảm nhận đa chiều về đời sống – văn hóa của người dân nơi mình đặt chân đến.
Ví như trong tâm thế của một người dân nghèo ở Nepal, điều đọng lại trong Quỳnh là hình ảnh những người thợ may, người làm đồ thủ công, những đứa trẻ đùa nghịch trong các con ngõ, vết nứt tường sau trận động đất, giọt nước mắt ở bên này sông Bagmati nhìn người thân mình ra đi trong ngọn lửa ngùn ngụt bên kia sông.
Đền Pashupatinath với tục hoả thiêu người chết bằng củi dưới góc máy của Ngọc Quỳnh
Khi anh đặt mình vào vị trí của một người bản địa trung lưu, đến những khu nhà, quán ăn sang trọng, trải nghiệm dịch vụ dành cho họ, anh thấy phần nào suy nghĩ, cuộc sống của một lớp người, có thêm góc nhìn khác về thành phố – một nơi xa hoa và tráng lệ.
Thế rồi trong tâm thế của người tụ tập, Ngọc Quỳnh dâng nến, nhiễu tháp, ngồi nghe giảng pháp, nói chuyện với các lạt ma, thử làm ăn xin.
Ngọc Quỳnh và trải nghiệm ăn xin đáng nhớ ở Nepa l
Ở tâm thế một người thích khám phá thiên nhiên, chàng trai Hà Nội có vài buổi đi xe buýt địa phương đến các vùng như Pokhara, Lumbini, Chitwan, rồi thuê xe máy, xem trên bản đồ và đi lang thang lên các ngọn núi dọc theo dãy Himalayas như Namche Bazaar phía chân dãy Everest và chân dãy núi Annapurna.
Và đó cũng là cách du lịch anh áp dụng vào rất nhiều chuyến đi bụi từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, đến Lào, Malaysia, Singapore, Trung Quốc…
Tại Thái Lan, Ngọc Quỳnh đã có dịp hưởng thụ cảm giác đủ đầy khi mua sắm trong các trung tâm thương mại Thái rồi lại nếm mùi cực khổ của người dân sống trên núi Phetchaburi – nơi được mệnh danh là vùng đất bị lãng quên của Thái Lan, khi anh đến đây làm nông dân cuốc đất, trồng rau.
8X thu hoạch đậu đũa sau tháng trời làm nông dân ở vùng núi Thái Lan
“Càng trải nghiệm, càng chia sẻ tôi càng thấy thế giới tuyệt vời, bản thân mình bớt than trách, cái tôi bé đi, bớt phán xét, áp đặt người khác. Tôi học cách tôn trọng người khác và tôn trọng sự khác biệt”, Quỳnh bộc bạch.Vài năm làm việc, vài năm ‘nghỉ hưu non’
“Tiền và thời gian ở đâu mà đi nhiều thế?”, đó là câu hỏi nhiều người đặt ra khi lắng nghe hành trình chu du qua các miền đất của Ngọc Quỳnh. Anh phì cười chia sẻ thành thật: “Tôi đam mê nhiều thứ quá nên tiền khô cháy túi rồi”. Song, 8X cũng nói thêm: “Khi bạn đặt các nhu cầu hưởng thụ, kỳ vọng xuống thấp, bạn sẽ thấy rất dễ sống và thoải mái hơn rất nhiều”.
Suốt hơn chục năm đi làm, chàng trai sinh năm 1985 góp nhặt cả niềm vui lẫn nỗi buồn khi từng kinh qua nhiều vị trí như start-up 3 công ty về IT rồi phá sản, trưởng phòng nội dung FPT mobile, VTC online, đến chủ cửa hàng hoa…
5 năm gần đây, Quỳnh nghỉ làm công ty, anh mua một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành, tự xây một ngôi nhà theo kiến trúc đặc biệt với khu vườn nhỏ để sinh sống, làm tự do về IT tại nhà và kết hợp làm bán các sản phẩm handmade.
‘Cuộc đời ngắn ngủi, hãy làm gì mình thích!’, châm ngôn sống của anh chàng 8X mê trải nghiệm
Quỳnh gọi những lần nghỉ việc, vét sạch tiền kiếm được để đi chơi hay làm các thứ theo đam mê của mình là “nghỉ hưu non” mà không cần phải đợi đến khi 60 tuổi. Anh chia nhỏ cuộc đời mình ra nhiều giai đoạn: “đi làm” vài năm rồi “nghỉ hưu non” theo đuổi các đam mê vài năm. Cứ thế, giai đoạn này bổ trợ cho giai đoạn kia rất tốt.Ví như những ngày lang thang ở khắp các hang cùng, ngõ hẹp ở Nepal, Quỳnh có nhiều cơ hội để tìm hiểu nghề thủ công, âm nhạc, nhạc cụ dân gian, quan sát những người thợ làm đồ đồng, làm các đồ gỗ handmade… Tất cả những thứ đó tạo thành chất liệu và ý tưởng mới cho các sản phẩm “lọ mọ” của anh trong tương lai.
Sau một ngày dài đi bộ 30km chỉ để lắng nghe âm thanh cuộc sống như hôm nay, Quỳnh nghỉ chân ở một quán nước ven đường, làm quen những người bạn bản xứ, nghe một khúc nhạc Nepal, ngắm hoàng hôn rơi trên đất Phật và thấm thía vô cùng câu nói: “Cuộc đời ngắn ngủi, hãy làm gì mình thích!”.
Theo thanhnien.vn