Áp lực có phải là cách khiến ta giỏi hơn?
Ngày trước, lúc tôi trẻ hơn bây giờ tầm 4-5 tuổi, trong một bài phỏng vấn, tôi có bảo rằng tôi không ngại áp lực lắm, bởi áp lực cho tôi những điều kiện để trở nên “xuất thần” hơn (Sau đó, bài báo được đặt tên là: “MAD – Yêu áp lực như yêu một chàng trai (?)”.
Áp lực công việc có khiến chúng ta tài giỏi hơn?
Tôi đoán rằng đa số chúng ta đều nghĩ như vậy, và nghĩ như vậy nên bằng nhiều cách chúng ta đặt lên nhau những áp lực rồi nghĩ rằng điều đó giúp chúng ta đạt các kết quả tốt đẹp hơn: cha mẹ đặt áp lực lên con cái, người yêu đặt áp lực lên nhau, thầy cô áp lực lên học sinh, sếp đặt áp lực lên nhân viên. Và, áp lực tồn tại dưới nhiều hình thức: thưởng/phạt, lời nói ngọt ngào đầy tính răn đe, cho đến những niềm tự hào đầy kỳ vọng đòi hỏi được đáp ứng.
Tầm vài tuần trước, tôi còn nghĩ mình rất bình tĩnh và có thể đương đầu tốt với áp lực. Cho đến tuần này, tôi phát hiện ra… mình “bánh bèo” hơn mình nghĩ. Đó là khi tôi nhận ra tất cả những chuyện mình trải qua trước đây chỉ là cơn sóng nhỏ, chưa là gì so với những cơn bão táp càng ngày càng dữ dội hơn. Trong thời gian gần đây khi phải vật vã làm khóa luận tốt nghiệp, hoài nghi mình không đủ giỏi, hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu và cảm thấy rất bế tắt trong khi thời gian cứ vơi dần vơi dần. Tôi không còn có thể giữ cho mình “cool” được nữa. Bắt đầu than thở (“khóc lóc”) với bạn bè, trở nên vô cùng bi kịch hóa mọi thứ. Tôi căng thẳng đến mức không thể làm gì, kể cả việc tôi thích nhất: Ăn. Hằng ngày, tôi chỉ ngồi trước màn hình đầy số, chạy đi chạy lại các mô hình và hoa mắt trước kết quả không được đẹp như mong đợi. Đó là lúc tôi nghĩ rằng: mình không thể yêu áp lực như yêu một chàng trai được nữa!!!
Thập kỷ trước, hai nhà tâm lý học Robert Yerkes và John Dodson làm thí nghiệm về “Áp lực và Hiệu quả” trên chuột. Thí nghiệm được thiết kế để chuột chạy qua những mê cung, ở một số chỗ nhất định có nguồn điện khiến chuột bị giựt (tạm bỏ qua vấn đề đạo đức với động vật vẫn hay bàn hiện nay). Chuột phải chịu áp lực là khả năng bị giựt điện và hiệu quả công việc ở đây là khả năng thích nghi, vượt qua mê cung và tránh những chỗ bị giựt. Người ta tăng áp lực lớn dần (cường độ điện) và xem xem chuột học cách vượt qua mê cung mà không bị giựt nhanh hay chậm. Kết quả cho thấy chuột chỉ “học” hiệu quả ở một mức áp lực vừa đủ, và khi áp lực quá lớn (chuột bị giựt rất đau), các em chuột quá sợ hãi đến mức không “học hành” được gì và hiệu quả rất rất kém.
Sau này các nhà Kinh tế học hành vi, nghiên cứu về lương/thưởng và hiệu quả công việc, cũng làm những thí nghiệm tương tự trên người. Dĩ nhiên là không giựt điện, những người tham gia thí nghiệm sẽ được giao một công việc (ví dụ, giải toán, xếp hình…) với mức lương/thưởng tăng dần. Khi mức thưởng rất rất cao, áp lực sẽ rất rất lớn, dưới sự lo lắng là chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ mất một khoản tiền lớn, kết quả công việc của họ tệ hơn rất nhiều (Bạn có thể tìm đọc các thí nghiệm này trong cuốn “Lẽ phải của phi lý trí”, của Dan Ariely).
Không nói đâu xa, nếu tự nhìn nhận lại bản thân có thể bạn cũng dễ thấy áp lực đã khiến chúng ta mắc nhiều sai lầm như thế nào. Không ít người khi đi thi IELTS/TOELF/GMAT/GRE luôn được kết quả thấp hơn khi họ luyện ở nhà. Nhiều người có kết quả thi vấn đáp (căng thẳng hơn) luôn thấp hơn thi viết. Và, khi chúng ta ngồi trên giường coi “Ai là triệu phú” hay “Đường lên đỉnh Olympia”, chắc cũng có lần mình tặc lưỡi câu dễ thế mà không trả lời được…
Những thông tin khoa học về tâm lý và áp lực này khiến tôi tự nhìn nhận vào tình huống và khó khăn của bản thân, tôi cần làm gì để giảm bớt căng thẳng. Những mối lo sợ của tôi là gì: Điểm kém? Không được “Distinction”? Khóa luận không tốt sẽ ảnh hưởng đến các bước tiếp theo trong kế hoạch của tôi?
Việc tiếp theo tôi làm là… chịu khó tốn tiền, đi ăn lẩu, uống một ly bia và tìm cách giải quyết những nỗi lo của mình. Tôi cố tìm cách nghĩ khác đi! Hẳn có nhiều cách, nhưng cách của tôi là: “Trong trường hợp tệ nhất, mình sẽ vẫn ổn…”. Tôi ngồi tính lại điểm trong một năm học qua, ngay cả khi chỉ được 50 cho khóa luận thì tôi vẫn có thể tốt nghiệp “Distinction” (Tôi đã làm việc rất chăm chỉ từ ngày đầu tiên). Điều đó có nghĩa là hãy làm tốt trong cả quá trình, trong từng bước một sẽ giúp bạn gỡ bỏ bớt áp lực ở phút cuối. Tôi nhìn “bức tranh” rộng hơn và nhận ra mình còn rất nhiều cơ hội trong tương lai để gỡ gạc kể cả khi kết quả lần này không tốt. Và, quan trọng nhất: Khóa luận là cơ hội để bạn học điều gì đó, ngay cả khi kết quả không tốt, nhưng bạn đã giỏi lên thì đó vẫn là một “happy ending”.
Trong cuốn sách của Dan Ariely, ông có trích một tình tiết trong phim First Knight (1995). Có một kiếm sĩ rất giỏi, ông này cũng lập đấu trường kiểu “độc cô cầu bại” thách đấu thiên hạ. Một hôm có một anh chàng tài cao đến thách đấu, họ đánh kiếm 3 ngày-3 đêm và kiếm sĩ “độc cô cầu bại” chiến thắng. Anh kia dù thua vẫn rất cầu tiến, thỉnh giáo bí kíp của kiếm sĩ. Ông này nói: Một là, luôn quan sát đối thủ. Hai là, biết chớp lấy thời cơ dù là nhỏ nhất. Anh bạn trẻ gật gù, chắc cố luyện tập anh sẽ làm được. Duy có điều cuối cùng, mấu chốt nhất và khó nhất: Đừng quan tâm sống hay chết!
Có thể giải thích rằng, kiếm sĩ đấu giỏi hơn mọi người vì ông có tâm lý vững hơn, điều đó đến từ việc giảm áp lực và sự căng thẳng về mức gần như bằng 0.
Khó ai trong chúng ta có thể giảm mức căng thẳng về 0, nhưng bằng cách nào đó, ta có thể nghĩ khác đi và giảm bớt những suy nghĩ trầm trọng hóa của mình. Thứ làm chúng ta giỏi hơn, có lẽ không phải là áp lực, mà là thử thách. Rất dễ để lạc quan và yêu đời khi mọi thứ tốt đẹp, giữ được những điều đó trong những ngày tồi tệ mới chứng tỏ ta có đủ bản lĩnh hay chưa? Thử thách chẳng thể tránh, chúng mình cần tìm cách đi qua nó bằng ít nhất những sự căng thẳng trong tinh thần.
Cùng HRP VIỆT NAM tham gia chương trình khảo sát việc làm để có chất lượng lao động và nghề nghiệp tốt hơn nhé.
Tham gia khảo sát việc làm tại đây: Khảo sát việc làm
Theo bloger D. Mai Anh