Thay vì cắm mặt vào điện thoại hay máy tính, chỉ với một cuốn sổ tay cùng cây bút bạn có khả năng nằm lòng bất kì kiến thức nào trên đời.
Gõ chữ bằng bàn phím thì nhanh.
Trong khi viết chữ bằng tay thì chậm.
Tuy nhiên, đó lại chính là lý do khiến viết chữ thích hợp hơn cho quá trình học tập cũng như bất kì công đoạn lưu trữ kiến thức nào.
Hai nhà tâm lý học Pam A. Mueller từ Đại học Princeton và Daniel M. Oppenheimer từ Đại học UCLA đã thực hiện một nghiên cứu thú vị về những mặt tiêu cực của việc dùng laptop để ghi chép trong lớp học.
Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng laptop khiến việc ghi chép không hiệu quả vì bạn bị phân tâm bởi vô số những thứ trên mạng Internet luôn bày ra trước mắt, nhưng nghiên cứu của hai nhà khoa học nói trên còn đưa ra một kết luận quan trọng: Viết chữ bằng tay tốt hơn vì nó làm cho người học chậm lại.
Nhờ làm chậm quá trình ghi chép, bạn tăng tốc được quá trình học
Nếu một người đánh máy điêu luyện (thường là những người trẻ) ngồi trong lớp học, họ có thể ghi lại gần như mọi thứ mà giáo viên đang nói. Vấn đề là, quy trình ghi lại đó không đòi hỏi tư duy xét đoán. Vì thế khi họ gõ lại chữ bằng bàn phím, bộ não của họ không gắn kết với những gì được ghi lại.
Nếu bạn không đưa ra những dấu hiệu với bộ não của bạn cho biết những gì ghi lại là rất quan trọng, nó sẽ xóa toàn bộ bài giảng ra khỏi ký ức để đạt hiệu năng cao nhất.
Nhưng nếu bạn ghi lại bằng chữ viết, bạn sẽ không thể viết ra toàn bộ nội dung đang được truyền tải. Thay vào đó, bạn sẽ phải tìm kiếm những đoạn dẫn chứng, tóm tắt các khái niệm, và đặt câu hỏi về những gì bạn không hiểu.
Quá trình đó đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với chỉ ngồi gõ phím – và nỗ lực này chính là yếu tố giúp ghi dấu nội dung bài giảng trong trí nhớ của bạn. Bạn càng cố gắng hiểu một điều gì đó, thì dấu hiệu bạn gửi đến cho bộ não càng mạnh và điều đó lại càng được lưu giữ rõ nét hơn.
Mueller và Oppenheimer kết luận rằng, đối với sinh viên, “việc ghi lại từng chữ một của bài giảng thay vì xử lý thông tin và cấu trúc lại theo lời của mình là rất có hại cho quá trình học tập”.
Lợi ích của viết chữ bằng tay – dù đây là một kỹ năng đang bị mai một dần – đã được ghi lại bởi rất nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục, những người luôn chỉ ra rằng việc viết chữ đánh thức nhiều khu vực trong não bộ mà việc gõ chữ trên bàn phím không làm được, đặc biệt là những khu vực liên quan đến quá trình hình thành ký ức. Vì lý do này, nhiều ý tưởng hơn sẽ được tạo ra khi một người đang viết.
Theo nhà tâm lý học người Pháp Stanislas Dehaene, “Khi chúng ta viết, một mạch thần kinh đặc biệt sẽ tự động được kích hoạt. Có một quá trình nhận thức những nét đặc biệt trong những thứ được viết ra, như một kiểu nhận thức nhờ kích thích thần kinh trong não”, tuy rằng hoạt động của mạch thần kinh này vẫn cần phải nghiên cứu kỹ hơn.
Và kết quả là gì?
“Việc học tập trở nên dễ dàng hơn, tất nhiên rồi”, Dehaene kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ