Tiết lộ tuyệt chiêu viết luận văn chuẩn quốc tế
Đi học Đại học, viết luận là một trong những bài tập không thể thiếu. Các bài luận thường khiến nhiều bạn đau đầu vì phải nghiên cứu sách vở rồi phải viết sâu nhưng cả đọc và viết đều là những kĩ năng khó mà lượng kiến thức phải tìm hiểu và truyền tải đều rất lớn. Vì vậy, trong bài này, mình xin chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc cải thiện kĩ năng đọc – viết khi làm bài luận.
Tiết lộ tuyệt chiêu viết luận văn chuẩn quốc tế
Ghi chép khi nghe giảng trên lớp
Các bạn nghĩ chỉ có khi là học sinh thì mới phải ghi chép cẩn thận vì sợ thầy cô kiểm tra tập, còn lên đại học thì không? Ban đầu mình cũng đã từng nghĩ như vậy.
Khi lên Đại học, các thầy cô sẽ dạy bằng Powerpoint chứ không ghi chép kín bảng như hồi trung học. Nếu các bạn không ghi chép mà chỉ chụp lại slide làm tài liệu học, bạn sẽ gặp khó khăn khi xem lại vì kiến thức trên slide đều rất ngắn gọn, nhiều khi chỉ có khái niệm chứ không giải thích gì thêm.
Vì thế, khi đi học bạn nên chú ý ghi chép lại những mục chính chẳng hạn như đề mục lớn, khái niệm chủ đạo, các ví dụ hay các nhận định.
Lưu ý rằng phần ghi chép đó nên được diễn đạt theo cách hiểu của bạn. Như vậy, khi quay trở lại phần kiến thức đó, bạn vẫn có thể hiểu được, thậm chí có cả nguồn để tìm hiểu thêm.
Nếu được, hãy ghi âm lại lời thầy cô giải thích. Bạn sẽ bất ngờ khi mà có những điều thầy cô giải thích rất dễ hiểu trên lớp nhưng vì bạn đã quá buồn ngủ mà chẳng tiếp thu được gì.
Phân tích đề bài thật kĩ
Nghe giống như lúc ôn thi Văn bạn nhi? Đúng vậy đấy! Bạn chắc hẳn không muốn bị lạc đề đúng không? Khi đọc đề, hãy in ra (nếu có thể) và tô đậm những phần quan trọng của yêu cầu đề. Tiếp theo, bạn nên viết lại những phần quan trọng ấy thành các gạch đầu dòng hay các từ khóa. Bằng cách này, bạn sẽ nhớ được bạn phải tập trung làm gì và làm như thế nào.
Lên lịch làm bài
Điều tiếp theo bạn nên làm là liệt kê tất cả các bước cần thực hiện trong suốt quá trình làm bài. Bạn càng liệt kê chi tiết bao nhiêu, bạn càng làm bài hiệu quả bấy nhiêu. Hãy liệt kê tất cả các bước từ chọn đề tài, xem lại lý thuyết cho đến chỉnh sửa hoàn thiện bài viết và nộp bài.
Mình sử dụng Google Keep. Nó rất tiện vì mọi thứ đều được đồng bộ qua email. Bạn chỉ cần đăng nhập email trên bất cứ thiết bị nào đã tải Google Keep, tất cả mọi ghi chú của bạn đều được lưu giữ.
Sau đó, bạn sắp xếp tất cả những bước ấy vào lịch cá nhân trong máy tính, điện thoại, máy tính bảng,.. Khi đó, bạn sẽ dễ dành theo dõi được tiến độ làm bài của mình và chắn chắn mình không bỏ sót giai đoạn nào.
Lời khuyên của mình là bạn nên sử dụng Google Calendar. Nó cũng sẽ đồng bộ vào lịch trên các thiết bị cá nhân của bạn. Bây giờ bạn có thể yên tâm khi biết mình cần phải làm gì và vào thời gian nào. Nếu có lỡ chưa kịp thực hiện một bước nào đó, hãy nhanh chóng lưu vào lịch lại lần nữa và hoàn thành ngay.
Sau khi hoàn thành xong việc gì, hãy nhớ đánh dấu hoặc gạch bỏ việc đó (trong Google Keep sẽ tự động gạch bỏ khi bạn đánh dấu). Việc này không chỉ hiệu quả khi làm bài mà còn đem lại hiệu quả về tâm lý. Mỗi một việc được gạch bỏ, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn vì mình sắp hoàn thành bài rồi đấy!
Bắt đầu từ những tài liệu thầy cô gợi ý
Trong quá trình giảng bài, các thầy cô sẽ có những ví dụ, những nhận định để giải thích cho các bạn. Khi làm bài, bạn nên bắt đầu đọc và tìm hiểu từ những ví dụ và nhận định ấy. Đó có thể là những bài đọc mà thầy cô đã gợi ý sẵn, những bài viết ngắn trên báo và những trang web uy tín để bạn hiểu hơn về bài học của mình.
Đọc tài liệu có phương pháp
Bài tập tự luận thường sẽ yêu cầu bạn phân tích một phần đã được học ở lớp. Để tăng tính thuyết phục cho bài luận của mình, bạn sẽ phải tìm thêm tài liệu bên ngoài.
Đối với những môn về học thuyết và ứng dụng, tài liệu phải mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu, các trường Đại học, nói chung là phải đảm bảo độ uy tín. Đọc những tài liệu này không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người và đặc biệt đối với những người đọc chậm.
Tuy nhiên, nếu nắm được phương pháp đọc nhanh, thời gian và số lượng bài đọc được cắt giảm đi rất nhiều.
Sau khi đã phân tích kĩ đề bài, bạn đã biết được mình phải tập trung tìm tư liệu phục vụ phần nào. Vì thế, khi gặp một bài đọc, bạn sử dụng 2 phương pháp: skim (đọc để nắm ý chính của đoạn) và scan (đọc lướt để tìm từ khóa) để quyết định xem bài đọc ấy có giúp ích được cho bài làm của bạn không.
Theo như kinh nghiệm của mình, nếu bạn đọc trong vòng 30 giây mà vẫn không thấy hữu ích, hãy chuyển qua đoạn khác hoặc bài đọc khác.
Lập dàn ý
Khi làm bài, đặc biệt là các bài tập tự luận, mình luôn chép lại dàn bài mà thầy cô đã gợi ý. Hoặc các bạn có thể tự xây dựng dàn bài theo ý bạn và viết ra nháp. Bằng cách này, bạn sẽ biết chắc mình sẽ tập trung viết những gì, làm rõ những ý nào, có lạc đề hay thiếu sót gì không. Hãy giữ lại dàn ý này cho đến khi bạn đã chỉnh sửa xong và hoàn thiện bài làm của mình nhé.
Kiểm tra thật kĩ trước khi nộp bài
Bước này thường hay bị bỏ qua, đặc biệt là khi đã gần sát hạn nộp bài rồi. Tuy nhiên, nếu đọc lại, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều lỗi trong quá trình viết. Có thể là lỗi chính tả, lỗi dấu câu, lỗi dùng từ,…rất ngớ ngẩn mà khi viết bạn không để ý.
Nếu có thể, hãy nhờ một người khác đọc bài cùng bạn. Họ sẽ cho bạn biết phần nào chưa ổn để chỉnh sửa.
Kiểm tra trước khi nộp bài để hoàn thiện bài viết.
Nếu bạn viết luận văn tiếng Anh thì bạn có thể sử dụng trang Grammarly để kiểm tra ngữ pháp, chính tả, dấu câu…. Trang này cũng sẽ gợi ý cho bạn một số cách dùng từ sao cho hợp văn cảnh.
Đối với các trường sử dụng phần mềm kiểm tra bài luận như Turnitin, bạn còn phải kiểm tra xem mình có bị lỗi sao chép văn bản (plagiarism) hay không. Nếu bạn mắc lỗi này, lời khuyên cho bạn là hãy thay đổi cấu trúc câu, viết lại câu nhưng ý nghĩa không đổi, sử dụng các từ đồng nghĩa, thay đổi loại từ….
Trên đây là những gợi ý khi viết các bài luận của mình dành cho các bạn học những ngành phải viết lách nhiều và đọc nhiều. Nếu các bạn đã áp dụng và nhận thấy được sự hiệu quả, hãy chia sẻ câu chuyện của các bạn nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo 8morning