Bị Sếp không ưa và cách biến đổi tình thế 180 độ
Không có gì kinh khủng bằng việc mỗi khi đi làm, bạn phải cùng một lúc đối mặt giữa áp lực công việc và từ các mối quan hệ khác. Và không có gì tồi tệ hơn việc bạn bị sếp – người quản lý, đánh giá và phân công công việc cho bạn luôn nhìn bạn bằng con mắt “khó chịu”. Hay nói một cách đơn giản hơn là các bạn đang bị sếp ghét.
Hình ảnh minh họa: Kỹ năng mềm: xử lý thế nào nếu bị sếp ghét ?
Bị sếp ghét đồng nghĩa với việc công việc sẽ nặng hơn, bị đối đãi bất công hơn, khen thì không có mà lúc chê thì rất nặng, làm gì cũng không thấy sếp vừa lòng. Nếu ở những doanh nghiệp bé như start-up, cửa hàng thì việc này dễ giải quyết hơn vì sếp sẽ đuổi việc được bạn và bạn cũng không có nhiều yếu tố ràng buộc để ở lại. Tuy nhiên, tình hình lại rất khác nếu bạn đang làm việc tại một doanh nghiệp lớn, một công việc mơ ước với mức lương tương xứng năng lực. Lúc này, ra đi vì bị sếp ghét không còn là một quyết định dễ dàng. Khi đó, chúng ta buộc phải tìm cách đối mặt và giải quyết vấn đề. Lý do cho trường hợp này là tâm lý e ngại xuất phát từ quan điểm của đa số các công ty phương Đông, luôn coi sếp là bề trên chứ không ngang hàng như các nước phương Tây.
1 – Vẫn cư xử lịch sự sau khi bị sếp ghét
Cách xử lý này không khuyên bạn phải gồng mình gánh chịu những lời lẽ nặng nề và thái độ tồi tệ của sếp bằng nụ cười thân thiện “hoa hậu” và tỏ ra như mình không có việc gì. Bạn không cần và cũng không nên làm vậy. Việc ngoan ngoãn phục tùng chỉ càng khiến sếp nghĩ bạn dễ bắt nạt và chướng mắt với vẻ “giả tạo” của bạn thêm mà thôi.
Tất cả những gì bạn phải làm khi bị sếp ghét là ứng xử lại một cách lịch sự với thái độ và hành động của sếp. Cố gắng kiềm chế nếu cảm thấy uất ức và kích động với những lời lẽ thái quá, thay vào đó hãy chứng tỏ mình có có hành xử văn minh và tử tế hơn họ. Trong thời gian đó, bạn hãy dành thời gian để quan sát và tìm nguyên nhân cho sự việc. Nếu thái độ của sếp ngày càng tồi tệ dù bạn đã cố gắng đúng mực, bạn hãy tiến đến hai biện pháp dưới đây.
2 – Tìm cơ hội nói chuyện trực tiếp
Bạn làm gì khi thấy người thân, bạn bè bị sếp “đì”, khuyên họ ra đi trong lặng lẽ hay nói chuyện thẳng thắn với sếp ? Đa số chúng ta sẽ khuyên lựa chọn thứ hai cho họ vì nghĩ rằng không có gì tốt bằng thẳng và thật. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta khi mắc vào hoàn cảnh tương tự mới thấy việc mặt đối mặt không hề dễ dàng, và sau một thời gian chịu đựng đành phải chọn rút lui.
Vậy làm thế nào để có thể nói chuyện thẳng thắn với sếp ? Câu trả lời là trước tiên bạn cần gỡ bỏ tâm lý e ngại coi sếp là “đấng tối cao” luôn đúng và có quyền quyết định mọi việc. Hãy nghĩ đây là cuộc trao đổi ngang hàng giữa người lao động và người sử dụng lao động, bạn đang thắc mắc cho quyền lợi của mình thôi chứ không phải xin xỏ gì hết. Nếu bạn vẫn còn chướng ngại tâm lý, bạn cũng có thể viết trước một email trình bày sơ qua và xin một buổi hẹn gặp trực tiếp. Một khi đã hai mặt một lời và nói được hết suy nghĩ của từng bên, chắc chắn cả bạn và sếp sẽ có cách xử lý tốt hơn tình hình hiện tại.
3 – Chứng tỏ thành tích của bản thân
Đa số trong chúng ta khi nhận ra mình bị sếp ghét thường có tâm lý chán nản và khó chịu, không tập trung để làm tốt công việc như trước. Tuy nhiên lời khuyên của 8morning là cách xử lý khi bị sếp ghét hiệu quả là hãy nỗ lực làm việc gấp đôi bình thường. Hãy tìm mọi cách chứng tỏ năng lực của mình trước mặt sếp. Sếp có thể không vừa lòng và gai mắt với bạn ở nhiều điểm nhưng sẽ khó ngó lơ nếu bạn liên tục đạt được những thành tích tốt trong công việc.
Còn nếu sếp tiếp tục gai mắt với bạn, điều đó sẽ chứng tỏ rằng người quản lý bạn đơn thuần đang xếp việc tư lên việc công, không quan tâm đến lợi ích chung mà chỉ nhăm nhăm gây sự để bạn ra đi một cách nhanh nhất có thể. Trong trường hợp phải đối phó với kiểu người không nói lý lẽ này, bạn nên cuốn gói ra đi nhanh nhất có thể vì ở lại cũng chỉ thêm ức chế thôi.
Theo: 8morning