Chọn sếp còn hơn chọn việc
Là sinh viên sắp ra trường, tôi cũng như bao nhiêu bạn trẻ khác, loanh quanh giữa những đống câu hỏi: Đâu sẽ là nghề nghiệp tương lai của tôi? Tôi sẽ theo đuổi những mục tiêu và một môi trường làm việc như thế nào? Tôi sẽ mong muốn một mức lương và chế độ như thế nào trong công việc? Nhưng trong vô vàn câu hỏi như vậy, bạn đã bao giờ tự hỏi, mình sẽ làm việc với người sếp như thế nào chưa?
Sếp của bạn có thể là trưởng phòng, trưởng bộ phận, người trực tiếp giám sát công việc của bạn hay là tổng giám đốc, tùy theo cấp độ và hoàn cảnh công việc của bạn. Trong một vài trường hợp, bạn có thể sẽ phải làm việc dưới sự chỉ đạo của nhiều sếp, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.
Nhưng cuối cùng, chỉ cần sếp bạn có những phẩm chất sau thì bạn hãy yên tâm học hỏi từ họ:
Luôn lắng nghe nhân viên
Dù cho bạn là một nhân viên mới vào công ty hay chỉ là một cộng tác viên hoặc một nhân viên part-time nhưng những ý kiến bạn đưa ra trong công việc đều được sếp lắng nghe và ghi nhận thì xin chúc mừng, bạn đã chọn đúng sếp rồi đó.
Theo một cuộc khảo sát của tạp chí Times, có đến hơn 70% nhân viên cảm thấy hài lòng với công việc và người quản lý khi họ được lắng nghe và tiếp nhận ý kiến.
Một người quản lý biết lắng nghe nhân viên, những người trực tiếp thực hiện công việc hay tiếp xúc với khách hàng, sẽ luôn biết được sản phẩm, dịch vụ của họ như thế nào trong mắt khách hàng, hay công ty cần cải thiện những gì để nâng cao sự hài lòng của nhân viên trong công việc.
Ngoài ra, nếu như bạn có một người sếp biết lắng nghe và không bảo thủ, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy được tôn trọng và được đáp ứng những nguyện vọng xứng đáng trong công việc đúng không nào?
Vì vậy, đừng ngần ngại theo đuổi công việc bạn đang có nếu như bạn được làm việc cùng một người sếp chịu lắng nghe nhân viên của mình nhé!
Khuyến khích và đặt kì vọng vào nhân viên
Trong bất cứ việc gì, nếu chúng ta được người khác tin tưởng và thúc đẩy mình vượt ra những điều quen thuộc, những giới hạn chúng ta tự đặt ra cho bản thân, chúng ta sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Còn nhớ trong câu chuyện “Mẹ hiền dạy con”, cậu bé Mạnh Tử xưa nhờ có mẹ là người luôn tìm mọi cách để khuyến khích cậu học tập siêng năng mà sau này mới trở thành một nhà giáo, nhà hiền triết nổi tiếng Trung Quốc chỉ sau thầy Khổng Tử.
Trở lại câu chuyện chọn sếp, nếu như sếp của bạn luôn cố gắng để động viên và khuyến khích nhân viên của anh ta làm việc chăm chỉ hơn mỗi ngày, học hỏi những điều mới mẻ để cải thiện và nâng cao hiệu quả công việc, anh ta chắc chắn sẽ sở hữu đội ngũ nhân viên mà những nhà tuyển dụng khác cũng ao ước.
Ngày trước tôi có làm công việc part-time ở một công ty nhỏ. Anh giám đốc tuy còn trẻ nhưng luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của nhân viên, đơn giản vì anh luôn tin tưởng và kì vọng vào nhân viên của mình sẽ ngày càng tiến xa hơn. Mỗi tuần, anh giao cho chúng tôi một thử thách nhỏ và luôn khuyến khích các nhóm giành chiến thắng và vượt lên chính mình của tuần trước.
Chính trực và công bằng
Chính trực là phẩm chất cần có với bất cứ người làm ở nghành nghề nào, tuy nhiên với cấp bậc quản lý thì điều này lại càng quan trọng. Trong công việc, một người sếp chính trực sẽ luôn phân biệt rõ chuyện công và chuyện tư, không vụ lợi cho bản thân và làm điều ngay thẳng.
Bạn có biết Allan Mually, vị CEO lừng danh của Ford, người đã cứu tập đoàn này ra khỏi giai đoạn khó khăn bằng chính cách xây dựng một nền văn hóa công khai, minh bạch và là chính ông luôn là một tấm gương chính trực cho nhân viên. Bởi vậy, dù đã rời ghế lãnh đạo, Allan vẫn luôn được tôn thờ là một huyền thoại ở Ford và là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất lịch sử ngành công nghiệp ô tô.
Do đó, khi muốn làm việc cho ai, bạn hãy xem người đó có chính trực, có công bằng trong đánh giá không, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sự minh bạch trong công việc của bạn.
Truyền cảm hứng
Trong một cuộc nói chuyện của Jack Ma, chủ tịch và người sáng lập Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, vị tỷ phú này khuyên rằng những người trẻ, khi mới lập nghiệp hãy đặt tầm quan trọng của việc chọn sếp hơn là chọn công ty lớn. Theo đó, ông cho rằng dù làm việc trong công ty nhỏ hay lớn, điều bạn cần tìm kiếm vẫn là một người sếp giỏi, biết truyền cảm hứng cho bạn trong công việc.
Việc truyền cảm hứng không quá to tát như là Bill Gates, Steve Job, hay Mark Zuckerberg với tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; mà đơn giản là khi bạn mới ra trường và bắt đầu làm quen với công việc thì bạn sẽ học hỏi được nhiều điều ý nghĩa, cả trong công việc và cuộc sống từ người quản lý của mình. Ví dụ, với người sếp hiện tại của tôi, anh có thói quen luôn học hỏi điều mới, mỗi tháng đều đọc hết một quyển sách và chia sẻ những điều học được với mọi người. Điều đó không chỉ giúp nhân viên của anh học tập được tinh thần cởi mở với cái mới, ham học hỏi mà thói quen đọc sách của mọi người trong công ty cũng được cải thiện rất nhiều.
Vậy đấy, với những tiêu chuẩn trên đây, bạn đã có thể bước đầu đi tìm kiếm cho mình một người sếp tuyệt với để học hỏi, và hãy đừng ngần ngại nắm bắt cơ hội, thể hiện bản thân để có được cơ hội tiếp xúc, làm việc với những người quản lý giỏi, những đồng nghiệp đáng mến nhé!
theo 8morning